Chu kì tăng giá mặc cho đại dịch
Trong gần 2 năm qua, tình trạng sốt đất đã diễn ra khá thường xuyên và ngày một gia tăng không những do cò đất tung tin mà còn có sự liên kết ngầm với nhau giữa các sàn giao dịch bất động sản để ôm hàng và tạo làn sóng thổi giá, gây sốt ảo.
Mặc cho tác động từ đại dịch Covid-19, chu kì lặp lại vào cuối năm của thị trường bất động sản vào mỗi dịp Tết nguyên đán vẫn khiến giá đất tăng chóng mặt. Theo đó, từ đất vùng ven ngoại thành Hà Nội cho đến đất nông lâm ngư nghiệp vẫn thu hút mạnh mẽ dòng tiền từ giới đầu tư sau khoảng thời gian “tránh dịch”.
Chỉ từ 12/2021 đến 01/2022, giá đất Quốc Oai tăng 15-20%, thậm chí Ba Vì lên đến 45%. Nguyên nhân của việc tăng giá đột biến này được cho là nhờ những thông tin về việc thủ đô đang có hàng loạt những dự án đầu tư hạ tầng trị giá tỉ USD trong giai đoạn quy hoạch càng làm tăng sức nóng và tâm lý sợ bỏ lỡ của các nhà đầu tư nhỏ lẻ khiến giá đất được đẩy lên cao hơn bao giờ hết.
Nhanh nóng vậy liệu có chóng nguội?
Hiện tượng sốt đất tại đây được các chuyên gia lý giải do khan hiếm nguồn cung nhà đất ở vùng trung tâm nên lẽ đương nhiên là các nhà đầu tư sẽ có xu hướng đổ về các vùng ven để tìm mua. Tuy nhiên, nhu cầu ở và canh tác thực tế thì lại không nhiều nên giá bị thổi lên cao một thời gian lại hồi về như cũ.
Lối đi an toàn nào cho nhà đầu tư?
Cơn sốt đất ảo luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể bùng lên bất cứ lúc nào không chỉ ở riêng thời điểm Tết Nguyên Đán. Vì thế là một nhà đầu tư khôn ngoan, việc đầu tiên là phải luôn cảnh giác với các tin đồn, luôn tỉnh táo không chạy theo các tin đồn về quy hoạch hạ tầng. Tiếp đến hãy trực tiếp tìm đến để nghe tư vấn và thông tin chính xác từ chính các chủ đầu tư uy tín để tránh “tiền mất tật mang”.